Trang chủChạy bộSơ cứu khi bị sốc nhiệt, say nắng do gắng sức

Sơ cứu khi bị sốc nhiệt, say nắng do gắng sức

Giải chạy Santa Run 2024

Giải chạy Santa Run 2024

so cuu soc nhiet

Trong những ngày mùa hè thời tiết nắng nóng dữ dội, người thường xuyên hoạt động ngoài trời rất dễ bị sốc nhiệt và say nắng. Sơ cứu khi bị sốc nhiệt cần thực hiện đúng cách và kịp thời để giảm rủi ro người bệnh.

Say nắng, sốc nhiệt là gì

Sốc nhiệt là gì? Đó là thuật ngữ mà dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như: say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.

Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.

Với các VĐV chuyên nghiệp, vẫn có khả năng xảy ra. Một trong những nguy cơ của sốc nhiệt là khi nền tảng thể lực càng kém thì càng dễ xảy ra. Một người càng ít luyện tập trong điều kiện khác nhau thì khả năng thích nghi của cơ thể kém hơn. Xác suất bị sốc nhiệt ở người bình thường tập luyện thể thao thì cao hơn VĐV chuyên nghiệp.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt bao gồm:

  • Người già và trẻ em;
  • Người béo phì;
  • Người bệnh, cơ thể suy nhược;
  • Có bệnh tim mạch, thần kinh hoặc rối loạn nội tiết;
  • Người rối loạn bài tiết mồ hôi;
  • Thanh niên trẻ, khỏe mạnh nhưng tập thể dục, gắng sức dưới nhiệt độ môi trường cao trong thời gian dài.

Ngoài ra, việc mất nước, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định cũng là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng say nắngsốc nhiệt.

Cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Hai nguyên tắc cơ bản của xử trí sốc nhiệt do gắng sức là:

  • Mức độ nghiêm trọng của sốc nhiệt có thể không rõ ràng tại thời điểm ban đầu
  • Tình trạng bệnh và tỷ lệ tử vong liên quan trực tiếp tới khoảng thời gian nhiệt độ trung tâm cơ thể tăng cao.

Vì thế, xử trí sốc nhiệt tốt bao gồm cả xử trí tại hiện trường lẫn điều trị trong bệnh viện, trong đó hạ nhiệt nhanh là tối quan trọng. Nếu không xử trí kịp thời, sốc nhiệt có thể dẫn tới các biến chứng nặng như tiêu cơ vân, suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu nội mạch rải rác. Ngay cả với những VĐV chưa có tổn thương cơ quan đích (hệ thần kinh trung ương, gan, thận,…), thân nhiệt trung tâm tăng cao > 40ºC cũng là một dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý và cần xử trí kịp thời.

Đánh giá nhanh tại hiện trường

Biện pháp đầu tiên là đánh giá và kiểm soát đường thở, nhịp thở, tuần hoàn (bắt mạch, đo nhịp tim).

  • Đánh giá toàn trạng và ý thức của VĐV.
  • Đo các dấu hiệu sinh tồn gồm mạch, huyết áp, và nhiệt độ ở trực tràng. Chỉ có nhiệt độ trực tràng mới phản ánh trung thành nhiệt độ trung tâm cơ thể.
  • Chẩn đoán sốc nhiệt khi nhiệt độ trung tâm cơ thể cao ≥ 40°C trong hoàn cảnh có rối loạn ý thức, tri giác. Lúc này, người bệnh cần phải được hạ nhiệt gấp.

Nếu nhân viên y tế có mặt tại chỗ, có sẵn các thiết bị cần thiết để hạ nhiệt tích cực (như bể nước đá, khăn lạnh, xô nước lạnh) và không cần phải điều trị cấp cứu nào khác ngoài việc hạ thân nhiệt gấp, tốt nhất là nên theo nguyên tắc “hạ nhiệt trước, vận chuyển sau”. Khi đã hạ nhiệt đến nhiệt độ hợp lý (38,9°C), bệnh nhân được chuyển gấp tới cơ sở cấp cứu gần nhất.

Nếu không đủ điều kiện hạ nhiệt tại chỗ, đặc biệt là nếu bệnh nhân có các vấn đề khác (như co giật) yêu cầu can thiệp y tế, bệnh nhân cần được chuyển ngay lập tức tới cơ sở cấp cứu gần nhất. Việc hạ nhiệt có thể được thực hiện trong khi vận chuyển với cách hạ nhiệt hiệu quả nhất có thể.

Biện pháp làm mát

Hạ nhiệt gấp là chiến lược hiệu quả nhất để cải thiện thương tật và tỷ lệ tử vong do sốc nhiệt. Cần tiến hành hạ nhiệt ngay khi có thể và trong vòng 30 phút từ khi có biểu hiện triệu chứng.

Các bước chính bao gồm:

– Kích hoạt hệ thống cấp cứu ngay lập tức. Gọi nhân viên y tế, gọi 115. Nếu nhân viên y tế có mặt tại chỗ và không có tình trạng cấp cứu y tế nào khác ngoài sốc nhiệt, hạ nhiệt trước rồi mới vận chuyển bất kỳ khi nào có thể.

– Tháo bỏ tất cả các thiết bị trên người VĐV, cởi hoặc nới lỏng quần áo (để giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn)

– Đưa VĐV tới chỗ có bóng râm. Có thể đưa vào phòng điều hoà nhiệt độ

– Ngâm VĐV vào bể nước đá để hạ nhiệt khẩn cấp

  • Ngâm VĐV trong bể nước đá là biện pháp hạ nhiệt nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nếu có sẵn bể nước đá, ngâm vận động viên trong bồn nước đá (càng lạnh càng tốt); nhiệt độ nước cần từ 2°C đến 15°C.
  • Đổ nước và đá lạnh lên đến lưng bồn tắm hoặc bể vầy. Đá lạnh nên đủ nhiều để luôn luôn phủ kín được toàn bộ bề mặt mặt nước.
  • Đặt VĐV vào bồn nước đá. Phủ cơ thể bằng nước đá càng kín càng tốt. Nếu việc phủ kín toàn thân không thể thực hiện được, thì ưu tiên phủ phần thân người càng nhiều càng tốt (trừ đầu và chân tay).
  • Chú ý giữ phần đầu và cổ vận động viên trên mặt nước. Một hoặc hai người hỗ trợ có thể thực hiện việc này bằng cách luồn khăn hoặc vải dài dưới nách và quanh trước ngực người bệnh để giữ.
  • Tiến hành khuấy nước mạnh trong quá trình làm mát
  • Trong quá trình điều trị bằng nước đá, liên tục theo dõi nhiệt độ bên trong cơ thể của người bệnh bằng nhiệt kế hậu môn (nhiệt kế thân mềm, nằm thường xuyên tại vị trí đo trong suốt quá trình làm mát cơ thể).
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn khoảng 10 phút một lần, và kiểm tra tình trạng tri giác liên tục trong quá trình làm mát.
  • Nên gọi thêm người hỗ trợ sẵn sàng ở gần đó để phòng trường hợp người bệnh kháng cự hoặc cần được nâng lên hay xoay trở nếu có nôn trớ.
  • Tiếp tục làm mát cho tới khi nhiệt độ trung tâm hạ tới 39 độ C. Nếu không thể đo được nhiệt độ qua hậu môn hoặc phép đo bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ của nước lạnh đang ngâm, thì thực hiện làm mát trong khoảng từ 10 đến 15 phút, sau đó vận chuyển tới nơi cấp cứu. Làm mát bằng ngâm nước đá thường đạt được hiệu quả giảm khoảng 1 độ C mỗi năm phút, nếu như nước được khuấy liên tục.
  • Nước đá là lý tưởng nhất nhưng nếu không sẵn thì dùng nước thường cũng được, giữ nhiệt độ nước lạnh hợp lý; khuấy nước mạnh trong quá trình hạ nhiệt.

– Nếu không có đủ điều kiện để ngâm nước đá, mà tại hiện trường có biện pháp làm mát khác, thì cố gắng làm mát người bệnh bằng phương pháp tốt nhất có thể. Ví dụ như các cách sau:

  • Cho đá, nước và 12 chiếc khăn vào một thùng giữ nhiệt. Đặt sáu chiếc khăn nhúng nước đá lạnh trên cơ thể người bệnh, để nguyên như vậy trong khoảng từ hai đến ba phút rồi lại cho các khăn đó vào thùng nước đá, và thay các khăn đang ngâm trong thùng lên người bệnh nhân. Thực hiện thay khăn liên tục như vậy cứ mỗi hai đến ba phút.
  • Liên tục giội nước lạnh cho bệnh nhân bằng vòi phun, xô nước,…
  • Nếu có đá nhưng không có bồn, thì đặt bệnh nhân vào một miếng vải lớn kiểu khăn trải giường, phủ lên người bệnh nhân bằng đá lạnh rồi quấn khăn lại. Thay đá mới ngay khi đá tan bớt.
  • Áp khăn ướt, lạnh tiếp xúc với cơ thể nhiều nhất có thể. Khăn lạnh cần được thay thế ngay khi nó hết lạnh hoặc sau mỗi hai đến ba phút.
  • Áp túi đựng nước đá vào cổ, nách, bẹn (các vùng có mạch máu lớn đi qua), đồng thời phun nước ấm lên người bệnh nhân và sử dụng quạt để thổi gió qua da ẩm (hạ nhiệt bằng bay hơi). Cần phun nước khi cần và quạt liên tục.

Liên tục theo dõi các chỉ số dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ trực tràng, nhịp tim, nhịp hô hấp, huyết áp) và tình trạng tinh thần. Đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong mọi thời điểm.

Ngừng hạ nhiệt khi nhiệt độ trực tràng xuống còn 38.3°C đến 38.9°C.

Lưu ý rằng ban đầu tốc độ hạ nhiệt sẽ chậm, nhưng bệnh nhân được điều trị càng lâu, tốc độ hạ nhiệt sẽ nhanh dần. Một số người lo ngại ngâm nước lạnh gây nguy cơ đuối nước cho người bệnh Với các biện pháp đề phòng hợp lý, thì hầu như không có nguy cơ đuối nước. Các biện pháp đề phòng gồm có: giám sát bệnh nhân toàn thời gian, kêu gọi thêm người giúp đỡ, và luồn khăn dưới nách người bệnh, vòng qua trước ngực để giữ họ ngồi ngay ngắn, tránh được việc đầu bệnh nhân bị ngập dưới nước.

Mặc dù các tình trạng kém vệ sinh có thể xảy ra, ví dụ do nôn trớ hay tiêu chảy, nhưng một bồn nước mất vệ sinh vẫn là một biện pháp đánh đổi chấp nhận được khi thực hiện một biện pháp giữ mạng sống cho người bệnh. Bồn bẩn thì có thể làm sạch lại dễ dàng.

Không có bằng chứng chứng minh hiệu quả của việc truyền nước lạnh qua đường tĩnh mạch hay làm lạnh dạ dày qua ống thông dạ dày.

Theo dõi nhiệt độ của vận động viên

KHÔNG sử dụng các phương pháp đo nhiệt độ cơ thể khác (như đo nhiệt độ từ miệng, ống tai, màng nhĩ, nách, thái dương, trán), ngay cả khi không có nhiệt kế trực tràng. Các phương pháp đo nhiệt khác KHÔNG phản ánh trung thành nhiệt độ trung tâm cơ thể của VĐV bị sốc nhiệt và có thể gây sai lạc. Nếu không có nhiệt kế trực tràng khi điều trị EHS, chúng tôi khuyến nghị hai lựa chọn:

  • Hạ nhiệt cho đến khi bệnh nhân bắt đầu run
  • Xử lý bằng ngâm trong nước đá từ 15 đến 20 phút. Điều này sẽ hạ nhiệt đa số các bệnh nhân từ 3°C đến 4°C, và đủ điều kiện để đưa bệnh nhân ra khỏi bồn đá trong đa số trường hợp.

Phòng tránh sốc nhiệt, say nắng

Sốc nhiệt và say nắng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hơn thế nữa, việc hiểu biết về các rối loạn do sốc nhiệt gây ra giúp con người giảm được tỷ lệ bệnh tật và cũng như nguy cơ tử vong. Những việc cần làm để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng cụ thể là:

  • Tự rèn luyện cho cơ thể dần thích nghi với thời tiết nóng;
  • Sắp xếp thời gian lao động hoặc tập thể dục – thể thao vào giờ mát mẻ trong ngày;
  • Hạn chế các công việc vào thời điểm khí hậu quá nóng bức;
  • Thường xuyên nghỉ giải lao khi phải làm việc lâu dưới ánh mặt trời;
  • Uống nước lọc thường xuyên và đầy đủ, bổ sung thêm thức uống thể thao bù muối khoáng và chất điện giải (natri);
  • Không nên dùng các thức uống có cồn, cafein và đường vì rất dễ gây mất nước;
  • Khi đang mắc bệnh thì không nên làm việc dưới điều kiện thời tiết nóng bức;
  • Lựa chọn quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu lúc trời nóng.

Hiện tượng sốc nhiệt do nắng nóng thường là hậu quả của việc lao động hoặc tập luyện dưới ánh mặt trời, nhiệt độ trên 39 độ C. Nếu không cung cấp đủ nước để bù lại cho lượng mồ hôi đã toát ra, hệ điều hòa nhiệt độ bình thường của cơ thể rất dễ bị sốc. Chính vì vậy, không để cơ thể mất nước và hạn chế hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nắng nóng oi bức là lưu ý quan trọng nhằm phòng ngừa say nắng. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và áp dụng những cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt đúng đắn để kịp thời giúp đỡ nạn nhân, tránh diễn tiến phức tạp và nguy hiểm.

Tổng hợp Chaybo, Vinmec

gel dien giai phuc hoi co

Giải chạy Santa Run 2024

Giải chạy Santa Run 2024

Có thể bạn thích

Giải chạy Santa Run 2024

.
.